Việt Nam Quân đội làm kinh tế

Lịch sử

Tại Việt Nam, quân đội tham gia hoạt động sản xuất là truyền thống có từ khi Quân đội Nhân dân Việt Nam mới được thành lập. Hoạt động này được các lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn... khuyến khích nhằm hạn chế gánh nặng cho nhà nước và làm tăng sự gắn kết giữa quân đội với nhân dân, vừa góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Việt Nam từng thành lập một số đơn vị quân đội có nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp phòng thủ tại một số địa bàn chiến lược. Nhiều nhà máy quân đội cũng được phép sản xuất phục vụ các mục đích lưỡng dụng (cả quân sự lẫn dân sự). Trong thời kỳ Đổi Mới, Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập thêm nhiều công ty vừa phục vụ quốc phòng vừa kinh doanh để thu lợi nhuận nhằm tự trang trải các chi phí phục vụ mục tiêu quốc phòng-an ninh.

Các đơn vị quân đội đã tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực lao động, đất đai, kỹ thuật..., đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung tại chỗ, góp phần giữ ổn định và cải thiện đáng kể đời sống vật chất cho bộ đội. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị khí tài phù hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất và kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước... Hoạt động sản xuất kinh tế của lực lượng quân đội còn hướng tới giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, xây dựng ruộng lúa nước, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc; hỗ trợ vốn làm nhà và cây con giống, giúp đỡ về kỹ thuật sản xuất, chống di dân và đón nhận dân ở tuyến sau đến định cư, giúp dân ổn định cuộc sống lâu dài.[8]

Tại Việt Nam quân đội cũng đã cải tổ việc hoạt động kinh tế. Quân ủy Trung ương đã quy hoạch hệ thống doanh nghiệp trong Quân đội với các tiêu chí. Thứ nhất, phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế; Thứ hai, doanh nghiệp Quân đội phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu mà Chính phủ quy định; Thứ 3, doanh nghiệp quân đội phải làm đúng luật, không có biệt lệ. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: "Quân đội đã từng có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 và trong đề án do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo chính phủ, hiện vẫn còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại." Từ đầu năm 2016, trong quá trình rà soát, chấn chỉnh doanh nghiệp quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ biển đỏ của các xe làm kinh tế. Theo đó, mỗi doanh nghiệp chỉ được một xe biển đỏ để chỉ huy đi công tác, tuyệt đối không được dùng vào hoạt động kinh tế, hoạt động có thu.[9]

Vai trò

Quân đội Nhân dân Việt Nam có vai trò xung kích, nòng cốt trong tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, đảo, với trọng tâm là triển khai xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP). Đến nay, Quân đội đã xây dựng được 23 khu KT-QP với diện tích hàng triệu ha nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững cho hàng nghìn hộ dân định cư sinh sống lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Các khu KT-QP là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh của đất nước. Doanh nghiệp quân đội ngoài phục vụ các mục tiêu quân sự còn phục vụ nhu cầu dân sự, tiến hành đầu tư trong và ngoài nước.[10] Quân đội sản xuất xây dựng kinh tế nhằm góp phần gìn giữ năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu cho Quân đội và góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách quốc phòng. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuần kinh tế của Quân đội không được hưởng bất kỳ ưu tiên nào từ Nhà nước và nền Quốc phòng Việt Nam cũng không dùng ngân sách tài trợ cho doanh nghiệp, do vậy các doanh nghiệp hoàn toàn phải tự bươn chải... Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng khối các doanh nghiệp Quân đội có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp quân đội là một bộ phận trong chiến lược "hướng ra biển lớn" của Việt Nam và đối với các doanh nghiệp có chức năng làm kinh tế thuần túy sẽ được cổ phần hóa.[11] Theo Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng: "Tôi nghĩ doanh nghiệp Quân đội cũng có ưu thế hơn doanh nghiệp khác ở chỗ lòng tin của dân cao hơn. Còn về các vấn đề như cạnh tranh, đầu tư sản xuất, giá trị các hàng hoá dịch vụ cung cấp ra thị trường, về tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp quân đội cũng giống như các doanh nghiệp khác, đều phải bình đẳng. Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất cho tốt, giá cả hợp lý, làm sao bán hàng ra thị trường dân tin, xây dựng thương hiệu của mình lên thì sẽ tốt. Các doanh nghiệp quân đội vốn có tính kỷ luật, có yêu cầu cao nên các sản phẩm cung cấp ra thị trường từ trước tới giờ về cơ bản đều tốt, đều được nhân dân tin. Tôi cho rằng, đó chính là lợi thế của doanh nghiệp quân đội, các doanh nghiệp quân đội không có lợi thế nào khác cả".[12]

Quan điểm

Hiện tại, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc cải tổ lại hệ thống doanh nghiệp quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho rằng nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế luôn là chức năng nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội trong quá khứ, hiện tại và tương lai nhưng lại là điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Theo ông "Chúng cho rằng quân đội không làm kinh tế. Nguyên tắc chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội."[13] Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Phát triển kinh tế xã hội, kết hợp xây dựng kinh tế phối hợp quốc phòng là một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của quân đội.[14] Quân đội làm kinh tế là củng cố, gia tăng tiềm lực quốc gia, trang bị vũ khí, khí tài quân đội, tham gia hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế kinh tế với bên ngoài. Quan điểm sẽ xuyên suốt trong các thời kỳ là nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế đã, đang và sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp quân đội. Ông khẳng định sẽ tham mưu để thực hiện quốc phòng kinh tế, kinh tế trong quốc phòng, điều chỉnh bổ sung các khu kinh tế quốc phòng để phù hợp thế trận an ninh vững chắc trên các địa bàn. Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương phát triển kinh tế đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp sử dụng đất quốc phòng sai mục đích.[15] Trước đó, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tuyên bố: "Hiện nay đã có một chủ trương của bộ quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế nữa, mà tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển ra bên ngoài"[16]. Sau đó, tuyên bố này được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giải thích lại là quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà là làm kinh tế-quốc phòng.

Về chủ trương quân đội làm kinh tế quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng thường trực Bộ Quốc phòng giải thích là nói một cách đầy đủ là “quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế”. Kinh tế ở đây là kinh tế quốc phòng, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội đất nước, như thế mới đầy đủ. Từ khi thành lập quân đội, Bác Hồ đã dạy: “Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Mỗi thời kỳ có hình thức khác nhau, mô hình khác nhau, mức độ khác nhau tùy theo phát triển kinh tế-xã hội, tình hình đất nước. Hiện nay, quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là sản xuất trực tiếp ra sản phẩm quốc phòng, vũ khí trang bị, đạn, súng, thuốc nổ, những thứ mà quân đội nào cũng phải có. Thứ hai là, các đoàn kinh tế-quốc phòng ở vùng biên giới. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy tại biên giới, lực lượng quân đội vừa là lực lượng tham gia sản xuất, vừa phòng thủ biên giới, đặc biệt khi người dân đi sơ tán chiến tranh. Quân đội cũng là lực lượng tham gia xây dựng các công trình khó khăn mà lực lượng dân sự không làm được. Thứ ba, doanh nghiệp quân đội là những doanh nghiệp đi đầu về khoa học công nghệ, lấy phát triển khoa học công nghệ để áp dụng sản xuất vũ khí, trang bị của quân đội. Những doanh nghiệp đó đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đồng thời, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đưa ra khái niệm "lưỡng dụng" trong kinh tế quốc phòng. Theo đó, trong thời chiến, hệ thống sản xuất của quân đội sẽ phục vụ nhiệm vụ chiến đấu. Trong thời bình, với tiềm lực khoa học-công nghệ trong tay, quân đội sẽ áp dụng các khoa học-công nghệ đó phục vụ các đời sống dân sự của nhân dân cũng như tận dụng khấu hao của máy, để nâng cao tay nghề và giữ người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. Ý nghĩa của lưỡng dụng còn bao hàm việc sản xuất các sản phẩm dựa trên sự điều tiết theo cơ chế thị trường, có sản phẩm mới, nhu cầu mới. Việc áp dụng nền công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng là điều phổ biến trên thế giới. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho biết thêm Quân ủy Trung ương đã quy hoạch xong hệ thống doanh nghiệp trong quân đội với một số yêu cầu. Thứ nhất, doanh nghiệp quân đội phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế, không có doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần. Thứ hai, doanh nghiệp quân đội phải tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu Chính phủ quy định. Thứ ba, doanh nghiệp quân đội phải làm theo đúng luật, đúng quy định, không có biệt lệ, đóng thuế, báo cáo như doanh nghiệp Nhà nước. Thứ tư, doanh nghiệp quân đội không được lợi dụng vị thế quân đội để làm những điều không đúng.Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, làm ăn đứng đắn, tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại. Cái này không dễ dàng nhưng quân đội quyết tâm làm và phải làm nhanh.[17]

TS. Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) khẳng định: "Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam". Theo phân tích của Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, đất nước ta có đường biên giới khoảng 4.500 km, đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Đời sống của nhân dân nhiều vùng còn lạc hậu khó khăn, nhiều nơi trắng dân, trắng chính quyền, trắng đảng viên. Vì thế, cần có quân đội đứng chân với nhiệm vụ đưa dân ra sinh sống, giúp dân khai hoang, phát triển kinh tế địa phương, tạo nên thế trận lòng dân, vận động nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc. TS. Nguyễn Minh Phong, Phó trưởng Ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân cho rằng: "“Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo lợi ích quân đội làm kinh tế, phục vụ cho quân đội và quốc gia, không phải phục vụ cho ai đó. Cần cảnh giác với những mặt trái của quân đội làm kinh tế. Người làm kinh tế giàu hơn quân đội dân sự thuần túy sẽ tạo nên sự phân biệt đẳng cấp nhà giàu - nhà nghèo. Tiếp đó là sự lạm dụng xe biển đỏ, quyền lực, bí mật quân sự để làm giàu sẽ cần phải nhận diện và loại trừ". Theo Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Khi quân đội làm kinh tế hướng tới 4 mục là gia tăng sức mạnh của quân đội và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nền kinh tế quốc phòng; tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Khi làm kinh tế, quân đội sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được, thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó đảm đương. Các đơn vị làm kinh tế phải có tổng kết căn cơ, nhất là trong 30 năm đổi mới. Chủ trương diễn biến như thế nào, đã làm được cái gì, cái dở, cai hay tốt để có căn cứ để xác nhận. Nhà nước khi thông qua Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, cần xây dựng bộ thể chế riêng cho công nghiệp quốc phòng vì đây là ngành đặc thù. Quy định riêng ở đây không phải là ưu ái mà là phù hợp cho từng loại hình hoạt động, vì nếu áp dụng chung dễ dẫn đến vi phạm, hoặc cứng nhắc".[18]

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng việc gắn kinh tế với quốc phòng không phải là điều mới và gắn kinh tế với quốc phòng là việc làm cần thiết, bởi thông qua đó để gia tăng sức mạnh của quân đội, đặc biệt là sức mạnh tổng lực của quốc gia đồng thời góp phần tạo nên sự độc lập, tự chủ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, giảm bớt sự lệ thuộc vào việc mua sắm từ nước ngoài, qua đó từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Ông Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: "Trong sản xuất và phát triển kinh tế, quân đội đã để lại những dấu ấn không thể phủ nhận, kể cả trong chiến đấu, trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới. Với cơ sở hạ tầng được trang bị tương đối đồng bộ, với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt, trách nhiệm và tính kỷ luật cao, các sản phẩm của quốc phòng không chỉ đáp ứng được nhu cầu của quân đội và phục vụ hiệu quả cho đời sống nhân dân. Đây là đóng góp đáng được tôn vinh. Hiện nay, chủ trương tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước nhằm thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không có nghĩa là quân đội không phát triển kinh tế, mà quân đội ngày càng phải làm tốt hơn nhiệm vụ này, đem sức mạnh của khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng".[19]

Liên quan

Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 1, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 9, Quân đội nhân dân Việt Nam Quần đảo Trường Sa

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quân đội làm kinh tế http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40524636 http://www.midanmasr.com/en/article.aspx?ArticleID... http://www.zeit.de/wirtschaft/2013-07/aegypten-arm... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/qua... http://www.aei.org/publication/french-hard-power-l... http://nghiencuuquocte.org/2017/07/13/qua-trinh-tu... http://baotintuc.vn/xa-hoi/quan-doi-thuc-hien-tot-... http://cafef.vn/bo-truong-quoc-phong-giai-the-doan... http://cafef.vn/bo-truong-quoc-phong-ngo-xuan-lich... http://cafef.vn/quan-doi-lam-kinh-te-duoi-goc-nhin...